Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Tận Hiến Cho Mẹ III Tận Hiến Cho Mẹ V

Tận Hiến Những Gì?

58. Ta phải tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria những gì?
Ta phải tận hiến cho Trái Tim Mẹ toàn bộ bản thân ta, với sự hiện hữu của nó, cuộc sống của nó, cái chết của nó . . . Mẹ có toàn quyền sử dụng tất cả tuỳ ý Mẹ như sở hữu riêng của Mẹ; ta không còn một quyền lợi nào nữa. Nói vào chi tiết, ta phải tận hiến cho Trái Tim Mẹ thân xác ta với các cơ năng và tài năng tự nhiên, linh hồn ta với các tài năng thiêng liêng tự nhiên và siêu nhiên, của cải tự nhiên và siêu nhiên, hành động và chịu đựng, tính mê và tội lỗi, cái chết của ta, cuộc sống đời sau của ta, bây giờ và mãi mãi.

I. Thân xác và cơ năng

59. Tại sao ta phải tận hiến thân xác cho Trái Tim Mẹ Maria?

Phải tận hiến thân xác ta cho Trái Tim Mẹ vì, theo Thánh Kinh, thân xác ta là đền thờ Chúa Thánh Thần (1 Cor 6:19). Nhưng nó lại có thể phản bội và làm hư hoại địa vị cao quí mà Thiên Chúa đã dành cho nó. Do đó, ta phải tận hiến thân xác và cơ năng của nó cho Trái Tim Mẹ, để Mẹ giữ gìn và thánh hóa nó.

60. Thân xác ta có những cơ năng nào?

Thân xác ta có những cơ năng tự nhiên bên ngoài (ngoại quan), quen gọi là ngũ quan, và các quan năng tự nhiên bên trong (nội quan). Ta tận hiến cho Trái Tim Mẹ đôi mắt ta với thị giác và những sự nhìn xem cũng như những sự vật ta nhìn ngắm; đôi tai với thính giác kèm theo những sự nghe và những điều ta nghe thấy; mũi ta với khứu giác cùng những hành vi ta ngửi và những mùi tangửi được; miệng lưỡi ta với vị giác cùng những thức ăn uống kèm theo chính việc ăn uống, cũng như mọi ngôn từ ta nói ra; tứ chi ta với xúc giác và cử động cử chỉ của nó, cũng như sự sờ chạm và những vật ta chạm đến, . . . để Mẹ sử dụng tất cả theo ý Mẹ, không để ta theo tính tự nhiên sử dụng ngũ quan và hành vi cùng đối tượng của nó vào những điều mất lòng Chúa.
Ta cũng có thể nói cả đến các bộ máy, các tạng phủ bên trong thân xác ta, nhất là con tim, một cơ năng trọng yếu quen được coi là trụ sở của tình yêu, và óc não, trung tâm của tư tưởng. Tất nhiên ta cũng phải tận hiến tất cả cho Trái Tim Mẹ, đặc biệt là con tim và óc não, để ta chỉ tìm hiểu và mến yêu Mẹ, rồi nhờ Mẹ tìm hiểu và yêu mến Chúa Giêsu hơn mãi lên.

61. Nội quan là những tài năng nào?

Thân xác ta lại có bốn nội quan giống như loài động vật. Đó là quan năng thường thức, tức là quan năng thu nhận những hình ảnh của sự vật cảm biết được; tưởng tượng hay trí vẽ là quan năng giữ lại những hình ảnh của sự vật khi không có sự vật tiếp xúc với quan năng thường thức; thẩm quan hay lòng thần, linh tính (nơi động vật gọi là lòng thú) đó là quan năng nhận ra những cái tốt xấu, lợi hại mà giác quan không nhận ra được; sau cùng là ký tính, quan năng gợi lại các hình ảnh và những cái tốt xấu, lợi hại thẩm quan đã nhận trước.
Ta phải tận hiến cho Trái Tim Mẹ tất cả các nội quan đó, để Mẹ điều khiển chúng đi vào đúng đường lối xứng một con người có quyền làm bá chủ vạn vật (Stk 1:26).

II. Linh hồn và tài năng

62. Tại sao ta phải tận hiến linh hồn cho Trái Tim Mẹ Maria?

Ta tận hiến linh hồn ta cho Trái Tim Mẹ, vì linh hồn ta là bản thể quí nhất, trọng đại nhất của ta. Linh hồn là một bản thể thiêngliêng bất tử, theo đó ta được sáng tạo tương tự hình ảnh Thiên Chúa (Stk 1:26). Đó là một bản thể thiết yếu được Thiên Chúa trực tiếp sáng tạo cho từng người, để làm nên ngôi vị cá biệt của con người, với những tài năng thiêng liêng tự nhiên có thể nhận biết và yêu mến Thiên Chúa một cách tự nhiên. Chính linh hồn ta làm cho ta sống động và tiến bộ khác hẳn muôn loài thụ tạo trong vũ trụ vật chất, qua sự quan phòng của Thiên Chúa. Nhất là nó có khả năng tiếp nhận sự sống siêu nhiên Thiên Chúa ban, để ta nhận biết và yêu mến Thiên Chúa cách siêu nhiên, được thông phần vào bản tính Thiên Chúa (2 Pr 1:4), và đời sau được phúc hưởng kiến Thiên Chúa đến vô cùng tận (Mt 25:46) (số 64). Linh hồn ta cao quí như vậy mà ở đời này lại bị nhốt vào một thể xác hèn hạ, hay hư nát, đầy những xấu xa về thể lý cũng như luân lý, thì có khác gì một viên ngọc rất quí giá bị ném vào một cái giỏ rác đầy nhơ bẩn. Bởi thế, linh hồn rất dễ bị thể xác hư truỵ tràn ngập, làm cho mất hình dạng cao quí và có thể bị tiêu trầm. Vì vậy, ta phải tận hiến linh hồn ta cho Trái Tim Mẹ, nghĩa là phó dâng cho Trái Tim Mẹ, một cung thánh đầy ân sủng đẹp đẽ vô biên của Chúa Thánh Thần, để Mẹ gìn giữ, trau chuốt và thánh hóa nó như Chúa và Mẹ ước mong.

63. Tài năng thiêng liêng tự nhiên là những tài năng nào?

Tài năng thiêng liêng tự nhiên của linh hồn là trí năng, ý chí và ký ức, quen gọi là tam năng (tam tư) hay phần thượng của linh hồn. Trí năng là tài năng nhận biết sự thật, nhận biết chân lý, đặc biệt Chân Lý Tối Cao là chính Thiên Chúa. Hành vi của trí năng là nhận thức, phán đoán và suy luận. Ý chí là tài năng ước muốn và tìm kiếm sự lành, sự thiện, đặc biệt Sự Thiện Tối Cao là Thiên Chúa, hạnh phúc vô cùng của ta. Hành vi của ý chí là những mong muốn, những ước mơ, những khát vọng, những tìm tòi. Ký ức hay trí nhớ là tài năng ôn lại sự việc đã qua, nhất là các ơn lành Thiên Chúa ban cho ta; nhớ các chân lý đời đời mà Chúa đã mặc khải trong Thánh Kinh, nhất là Phúc Âm; nhớ phận ta là hư vô hèn hạvô cùng, là con người yếu đuối vô cùng, là tội nhân khốn nạn vô cùng. Tự ta, ta tuyệt đối không là gì, tuyệt đối không có gì, tuyệt đối không làm được gì. Tất cả đều phải nhờ Chúa ta mới sống, mới động, mới có (TĐCV 17:28). Ta đem cả tam năng linh hồn này tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria, để Mẹ làm chủ điều khiển theo ý Mẹ. Mẹ làm cho ta nhận một mình Chúa là Chân Lý duy nhất và tuyệt đối, khát mong một mình Chúa là Hạnh Phúc duy nhất và tuyệt đối, nhớ ơn một mình Chúa là Ân Nhân duy nhất và tuyệt đối của ta; nhất là Mẹ giúp ta đem hết linh hồn, hết nghị lực, hết trái tim (Mt 22:37) yêu mến một mình Chúa nhờ Trái Tim Mẹ, hoặc như Trái Tim Mẹ đã yêu Chúa.

64. Sự sống siêu nhiên là gi?

Chính tam năng linh hồn, nhất là trí năng và ý chí, được Chúa ban cho có khả năng tiếp nhận một sự sống siêu nhiên. Phàm sự sống nào cũng có một nguyên lý phát sinh sự sống, các tài năng sản ra những hành vi sống động, và chính các hành động này đưa sự sống tới chỗ triển nở tròn đầy. Sự sống siêu nhiên Chúa ban cho ta qua Bí Tích Rửa Tội cũng trao sang ta một nguyên lý phát sinh sự sống là thánh sủng hay thường sủng; các tài năng là các nhân đức thiên phú và linh ân Chúa Thánh Thần; sau cùng là hành động, tức các hiện sủng Chúa ban từng dịp để soi sáng trí năng, củng cố ý chí ta, giúp ta hành động theo ơn siêu nhiên và tăng thêm vốn liếng thường sủng mà Chúa đã ban trước, hầu sự sống siêu nhiên của ta triển nở tròn đầy. Tất cả sự sống siêu nhiên này, ta cũng tận hiến cả cho Trái Tim Mẹ Maria, để chính Mẹ nhúng tay vào việc làm cho sự sống ấy tăng triển và tiến tới đúng mức độ Chúa muốn ta phải đạt tới.

III. Của cải tự nhiên và siêu nhiên

65. Của cải tự nhiên là gì?

Của cải tự nhiên của ta có hai thứ: của cải vật chất và của cải thiêng liêng tự nhiên.

a/ Của cải vật chất là tất cả những động sản và bất động sản Chúa ban cho ta hưởng dùng hằng ngày, do nguồn lợi hay lao tác tùy địa vị ta.

b/ Của cải thiêng liêng tự nhiên của ta là sức khỏe hay sự tráng kiện phần xác của ta, đặc tính di truyền, đức tính cao đẹp, phẩm hạnh đáng khen, quyền lợi con người, địa vị cao thấp ta được trong xã hội, thanh danh hay tiếng tốt của ta, nền giáo dục ta hấp thụ, việc người ta tôn trọng, nể vì, yêu mến ta, ta được thông minh, kiến thức, tài ba v. v. . .

c/ Cũng có thể kể vào số của cải tự nhiên những liên hệ ruột thịt, máu mủ, họ hàng, thân thích; tình nghĩa bạn bè, làng xóm; tình tín hữu đồng đạo, đồng bào; những người cùng chung sống với ta, làm việc với ta trong một nghề nghiệp; tình anh em đứng chung với ta trong hàng ngũ Hội Thánh, hàng ngũ con cái tận hiến cho Mẹ; những người cùng chịu đau khổ, cùng chiến đấu, cùng sống chết với ta vì một lý tưởng là làm cho Nước Mẹ trị đến để Nước Chúa vinh quang.

66. Của cải siêu nhiên là những gì?

a. Là tất cả các ân sủng; các nhân đức hướng thần: tin, cậy, mến; các nhân đức luân lý cốt trụ: khôn ngoan, công bằng với hai nhân đức phụ là thờ phượng và tuân phục, đại đảm, tiết độ với ba nhân đức phụ là thanh tịnh, khiêm nhượng, hiền lành. Đó là mười hai nhân đức căn bản của một Kitô hữu.

b. Của cải siêu nhiên còn là tất cả các lời ta cầu nguyện (cho mình, cho tha nhân, cho Hội Thánh, cho nhân loại, cho các linh hồn luyện ngục) và tất cả các ân xá ta được hưởng nhờ trong kho Hội Thánh.

c. Cũng gọi là của cải siêu nhiên : tất cả những việc lành ta làm khi có ân sủng, chiếu theo mười giới răn Chúa, giới luật Hội Thánh, mười bốn mối đức ái, tám phúc thật, với ba giá trị lập công, đền tội và xin ơn. Giá trị lập công đảm bảo cho ta lớn lên trong sựsống siêu nhiên ở đời này và tăng thêm vinh quang trên trời đời sau. Giá trị đền tội bồi thường những hình phạt ta đáng chịu vì tội lỗi ta và trả những món nợ linh hồn ta mắc phải. Giá trị xin ơn làm ta chắc chắn lại được Chúa Thánh Thần soi sáng, an ủi và bổ sức cho trong cuộc chiến đấu cam go và dai dẳng với ba thù ở đời này.

Ta tận hiến tất cả của cải tự nhiên và siêu nhiên ấy cho Trái Tim Mẹ Maria, để Mẹ phát huy và củng cố cho thập phần hoàn hảo, đẹp lòng Thiên Chúa.

IV. Hành động và chịu đựng

67. Có phải tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria các việc ta làm không? Tất nhiên là có. Vì như đã nói trên, thân xác và linh hồn ta đều có những cơ năng và tài năng để hành động, hầu làm hoàn hảo sự sống tự nhiên và siêu nhiên. Những việc làm ấy hoặc ta đã làm, hoặc đang làm, hoặc sẽ làm, với tính chất tốt hay xấu tùy ý hướng ta. Những việc ấy dầu vĩ đại hay nhỏ mọn, dầu xuôi thuận hay trở ngại, dầu thành công hay thất bại . . ., ta đều tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria, để Mẹ sửa chữa những việc làm đã qua có tính chất xấu, để Mẹ phấn khích và giúp ta làm hoàn thiện hơn, nếu đang làm hay sẽ làm.

68. Còn những chịu đựng thì sao?

Ta cũng tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria tất cả. Chịu đựng ở đây hiểu là tất cả những gì ta phải chịu trái ý ta, chẳng hạn bệnh tật phần xác ở tất cả các cơ thể (số 60); những đau khổ phần hồn; người thân yêu đau yếu hay qua đời; làm ăn thua lỗ, bị trộm cướp; bị bóc lột; hoặc bị những tai nạn tự nhiên như thiên tai, lụt lội, dịch tễ, mất mùa, đói khát, hỏa tai, tai nạn giao thông, bị bắt bớ giam cầm, những hy sinh hãm mình tự ý v. v. . . Cả những thua thiệt bề trong như: kém thông minh, kém tài ba, thiếu trí thức, kém năng khiếu, kém duyên, kém ý chí, nhỡ ra bị mất trí, điên dại . . . Tất cả, ta đều thành tâm tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria, vui lòng và yêu mến tiếp nhận như những món quà đặc biệt nhất Chúa ưu ái tặng ta, tuỳ Thánh Ý Chúa. Ta rất cần phải nhớ rằng những hành động và chịu đựng trên đây, nếu ta làm và chịu vì lòng mến yêu Chúa và Mẹ, cũng có đủ ba giá trị lập công, đền tội và xin ơn như đã nói trên (Số 66). Nghĩa là tất cả những hành động và chịu đựng đó, cộng với ân sủng và nhân đức Chúa ban, sẽ làm nên kho tàng công trạng của ta.

69. Ta cũng lập được công trạng ư?

Được. Nếu ta làm việc hoặc chịu đựng khi có ân sủng, hay vì tình yêu mến Chúa, thì hành động và chịu đựng của ta đều được Chúa ban cho một công trạng siêu nhiên. Công trạng ấy là một quyền lợi thật sự và đúng nghĩa để ta được thêm thánh sủng ở đời này và vinh quang đời sau nữa. Mỗi việc ta làm hay sự khó ta chịu khi có ân sủng lại có một giá trị đền tội, đền được tất cả hay một phần các hình phạt ta đáng chịu vì tội lỗi ta. Ngoài những công trạng tương đáng theo công bằng ra, ta cũng còn có thể lập được những công trạng tương hợp (số 32), nghĩa là Thiên Chúa nhân từ vô cùng còn ban thêm hiện sủng và cả thánh sủng, tuỳ theo thiện chí và ý ngay lành của ta.

Nhưng ta cần phải cẩn thận chú ý hai điểm này:

a. Kho tàng siêu nhiên của ta,một phần lớn không thể nhượng cho người khác được. Đó là thánh sủng, các nhân đức, các linh ân, các hiện sủng và các công trạng tương đáng. Còn những công trạng tương hợp, giá trị đền tội và xin ơn của việc lành ta làm, hiệu năng đặc biệt của lời ta cầu nguyện cũng như các ân xá Hội Thánh ban, thì ta có thể nhượng cho người khác hoặc các linh hồn luyện ngục.

b. Những công trạng không thể nhượng cho người khác có giá trị vượt rất cao hơn những công trạng ta có thể nhượng cho người khác.